Trong nhiều năm qua ngành Logistics của Khoa Thương mại Quốc tế - Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đã đào tạo, cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics tại thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều việc làm tốt, nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề. Có nhiều sinh viên giữ vị trí quản lý trong doanh nghiệp hoặc đã và đang làm chủ chính doanh nghiệp của mình. Thành công đó tạo dựng từ nhiều yếu tố khác nhau trong đó phải kể đến chất lượng đào tạo của ngành. Một trong những nhân tố quyết định việc chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao chính là hoạt động xây dựng, kết nối và phát triển mối liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp. Chính sự kết nối, hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp mà công tác đào tạo của nhà trường đã được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng.
Doanh nghiệp tham gia, góp ý xây dựng chương trình đào tạo
Hiện nay, trong quy trình xây dựng chương trình đào tạo, Khoa Thương mại Quốc tế luôn khảo sát ý kiến của doanh nghiệp. Với định hướng đào tạo ứng dụng, Khoa đã xây dựng chương trình đào tạo theo các chuẩn mực tiên tiến, thường xuyên cập nhật với thực tế; gắn liền lý thuyết với thực hành; tăng cường gắn kết nhà trường với các viện, cơ sở nghiên cứu, các đơn vị sản xuất, kinh doanh; tăng thời lượng thực hành cho sinh viên. Quá trình xây dựng, hiệu chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo được diễn ra thường xuyên, liên tục trên cơ sở vừa đảm bảo tính ổn định, kế thừa, đồng thời bám sát với sự phát triển thực tế của xã hội nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng.
Lễ ký kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp
Có thể thấy sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong công tác đào tạo còn giúp khoa xây dựng các học phần hợp lý hơn, xen kẽ chương trình lý thuyết tại trường và chương trình thực tế tại các doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học mà còn nâng cao năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng tự học, tư duy độc lập và giá trị bản thân.
Doanh nghiệp góp ý nội dung giảng dạy mô phỏng
Với tầm nhìn xa và sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ban Giám hiệu nhà trường, các phòng ban liên quan, hiện Khoa Thương mại Quốc tế đã xây dựng được mô hình kho mô phỏng đặt tại cơ sở TP.Thủ Đức nhằm đào tạo kỹ năng thực hành các nghiệp vụ vận hành kho hàng trong ngành logistics. Nhà trường và Khoa đã chủ động mời các chuyên gia từ Aus4skill – một chương trình nằm trong chuỗi Chương trình Hợp tác Phát triển Australia – Việt Nam và U&I – doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ logistics, kho bãi – hợp tác trong việc tư vấn, thiết kế và cung cấp các tài liệu để phát triển các nội dung đào tạo cho học phần này.
Trong học phần này, ngoài việc tích hợp chương trình đào tạo của khoa với module Warehousing Management của FIATA thì các buổi thực hành tại kho mô phỏng dưới sự hướng dẫn của các giảng viên dày dạn kinh nghiệm đã giúp sinh viên hiểu rõ hơn, nắm bắt tốt hơn các nghiệp vụ để vận hành một kho hàng tiêu chuẩn.
Lãnh đạo Khoa Thương mại Quốc tế họp với U&I
Tổ chức hội thảo, ngày hội việc làm, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên
Khoa và Nhà trường đã tổ chức các khoá tập huấn ngắn hạn, trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm cần thiết cho quá trình tìm kiếm, lựa chọn công việc phù hợp như: Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, làm quen với các bài kiểm tra trí tuệ. Song song với đó, khoa và nhà trường đã mời các doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm cung cấp tới toàn thể sinh viên các cơ hội việc làm, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến. Sinh viên được đảm bảo không phải trả bất kỳ một chi phí nào cho việc tìm kiếm thông tin việc làm, thông tin tuyển dụng cũng như trong suốt quá trình tuyển dụng của các doanh nghiệp, đồng thời qua các chương trình này, các bạn sinh viên sẽ có định hướng tổng thể về công việc cũng như sự nghiệp của mình trong tương lai.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cũng dành nhiều thời gian chia sẻ một số kinh nghiệm, lời khuyên bổ ích đến các bạn sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm, phát triển năng lực bản thân như cần chú ý đến phong thái, thái độ, cử chỉ.
Chương trình Toạ đàm trao đổi về chuyên ngành Thu mua
Kết nối doanh nghiệp tạo điều kiện để sinh viên kiến tập, thực tập và tuyển dụng sau khi ra trường.
Để giúp sinh viên hình dung rõ hơn về công việc của mình sau khi ra trường, nhà trường và khoa phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các buổi tham quan thực tế tại doanh nghiệp. Qua đó giúp sinh viên hình dung được các vị trí công việc, kiến thức cần có, kỹ năng cần rèn luyện để trang bị hành trang khi tìm việc làm.
Nhà trường và khoa còn luôn quan tâm, chú trọng hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm. Khoa, trường và Phòng Công tác Sinh viên và Kết nối Doanh nghiệp, Trung tâm Tư vấn Đầu tư và thương mại luôn đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, hợp tác doanh nghiệp cho sinh viên.
Sinh viên đi thực tế tại Doanh nghiệp hợp tác với nhà trường
Với mô hình hợp tác giữa khoa, trường và doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực cho sinh viên ngành logistics nói riêng và sinh viên Khoa Thương mại Quốc tế nói chung. Số lượng các doanh nghiệp ký kết hợp tác với khoa, trường hiện lên đến hàng trăm công ty. Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên của khoa Thương mại Quốc tế có việc làm tăng cao. Theo khảo sát, tỉ lệ hài lòng của các nhà sử dụng lao động đối với sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Thương mại Quốc tế - Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại là trên 80%. Để đạt được kết quả như trên, không gì khác hơn đó chính là sự kết nối, hợp tác giữa khoa, trường và doanh nghiệp.
Tin ảnh: Khoa Thương mại Quốc tế
TIN LIÊN QUAN
- Tọa đàm “Tăng cường hiệu quả gắn kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp” đồng thời Tri ân Cộng đồng Doanh nghiệp - 17/12/2024
- Hội thảo Giáo dục Nghề Nghiệp “Ngành Kế Toán trong Bối Cảnh Ứng Dụng AI và IFRS – Thách Thức và Giải Pháp” - 11/12/2024
- Talkshow “Digital Marketing - Trends, opportunities and challenges” giúp sinh viên Cofer bắt kịp xu thế - 11/12/2024
- Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại – Quán quân Tài Năng Trẻ Logistics Việt Nam 2024 - 04/12/2024
- Hội thảo Tài chính kế toán và Quản trị trong kỷ nguyên AI - 02/12/2024